Xu hướng
Sự khác biệt và nét độc đáo trong phong tục đón Tết của 3 miền Bắc Trung Nam
03/02/2024 15:14
Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống văn hóa và phong tục tập quán độc đáo. Trong đó, Tết Nguyên Đán được xem là một hình thức mang đậm dấu ấn riêng của mỗi dấu ấn riêng của dân tộc. Phong tục đón Tết ở miền Bắc, Tết ở miền Trung, hay Tết ở miền Nam đều có sự khác biệt rõ rệt từ ăn mặc, vui chơi, cho đến các lễ hội truyền thống. Cùng chúng mình khám phá sự khác biệt và nét độc đáo trong văn hóa đón Tết của 3 miền Bắc - Trung - Nam nước ta trong bài viết dưới đây nhé.
Phong tục đón Tết ở miền Bắc
Phong tục đón Tết ở miền Bắc thường khá cầu kỳ và mỗi phong tục đều mang một ý nghĩa riêng về mặt tâm. Bởi đây không chỉ là dịp gặp gỡ, sum vầy mà còn là thời điểm để cầu mong một năm mới đầy may mắn, an lành và hạnh phúc. Cùng chúng mình điểm qua các phong tục đón Tết của người miền Bắc như sau.
MÂM CỖ ĐÓN TẾT MIỀN BẮC
Mâm cỗ đón Tết miền Bắc đầy đủ màu sắc
Mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc được chuẩn bị tươm tất và tuân thủ theo nguyên tắc: 4 bát 4 đĩa, bao gồm nước chấm, dưa hành và xôi, tượng trưng cho tứ trụ trong quan niệm dân gian. Trong đó:
4 bát sẽ bao gồm các món ăn điển hình như:
- Canh bóng thả với chân tẩy và nước dùng gà;
- Chân giò hầm với măng khô;
- Mọc nấm thả;
- Miến nấu lòng gà.
4 đĩa bao gồm các món ăn như:
- Gà trống thiến luộc;
- Nem rán;
- Giò lụa, thường là giỏ thủ hoặc chả quế;
- Bánh chưng
Nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông, món ăn đặc trưng không thể thiếu của người dân miền Bắc.
Bên cạnh món chính, món ăn tráng miệng ngày Tết ở miền Bắc cũng rất đa dạng với nhiều loại mứt Tết và trái cây như: mứt quất, mứt gừng, mứt sen, hồng khô, ô mai,... Đặc biệt nhất là món chè kho thơm ngọt được nấu từ đậu xanh và đường. Đây được xem là món tráng miệng không thể thiếu ở các gia đình miền Bắc trong dịp Tết đến.
NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT
Tết là dịp mà mọi thành viên trong gia đình gặp và trao nhau những lời chúc tốt lành
Phong tục đón Tết của người miền Bắc khá sớm, bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người miền Bắc đã sắm sửa lễ vật để tiễn ông Táo về trời. Họ thường thả cá chép vào chậu nước, với ngụ ý sẽ biến cá thành rồng và đưa ông Táo về trời.
Giao thừa chính là khoảnh khắc đoàn viên, sum vầy của các thành viên trong gia đình. Sau đó là đón xuân, chúc Tết cùng với các lễ hội văn hóa truyền thống.
ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG NGÀY TẾT
Tuân thủ các điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết ở miền Bắc giúp bạn có một năm suôn sẻ và may mắn
Phong tục đón Tết của người miền Bắc được biết đến là có nhiều điều cấm kỵ nhất cả nước. Theo đó, họ kiêng kỵ những điều sau đây trong những ngày đầu năm mới như:
- Kiêng quét nhà: Người Việt Nam quan niệm quét nhà trong 3 ngày Tết sẽ quét hết vận may khỏi nhà. Vì thế, mọi nhà đều cố gắng quét sạch nhà và dọn dẹp vườn tược trước khi đến thời khắc đón giao thừa.
- Kiêng đổ rác: Tục lệ này có từ câu chuyện Sưu thần ký. Việc đổ rác sẽ khiến tiền tài trong nhà bị thất thoát, không mang lại những may mắn về tài chính.
- Kiêng treo những bức tranh “xui xẻo” trong nhà;
- Kiêng cho lửa ngày Tết: Quan niệm dân gian xưa lửa tượng trưng cho sự may mắn. Việc cho lửa như cho đi sự may mắn của mình, vậy nên đây cũng là điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết ở miền Bắc.
- Kiêng cho nước đầu năm: Nước được ví như nguồn tài lộc của gia đình, vì vậy cho nước chính là cho đi tài lộc vận may của mình trong năm mới.
- Kiêng làm vỡ bát đĩa: Bát đĩa tượng trưng cho gia đình. Thế nên nếu làm vỡ bát đĩa trong ngày Tết sẽ làm ảnh hưởng đến hòa khí trong nhà.
Bên cạnh những điều cấm kỵ, phong tục đón Tết của người miền Bắc còn có những phong tục mang tính tâm linh như: xông đất đầu năm, rắc vôi ở 4 góc vườn,...
Phong tục đón Tết ở miền Trung
Với đặc điểm địa lý nằm giữa chiều dài đất nước. Có thể nói miền Trung là vùng đất giao thoa văn hóa, phong tục, mang hơi hướng của miền Bắc lẫn miền Nam. Thế nhưng vẫn có những văn hóa truyền thống độc đáo riêng của vùng đất này. Cụ thể phong tục đón Tết ở miền Trung được thể hiện qua những điều sau.
MÂM CỖ NGÀY TẾT MIỀN TRUNG
Các món ăn trong mâm cỗ Tết miền Trung đa dạng và mang tinh thần san sẻ
Ở miền Trung với khí hậu và thời tiết mang nét đặc trưng nên nét văn hóa ẩm thực và cách bày trí mâm cỗ ngày Tết cũng có sự khác biệt. Các món ăn thường mang tinh thần tiết kiệm, san sẻ của con người miền Trung, được thể hiện qua các món ăn. Ở đây, mỗi món sẽ được chia thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít và bày trên chiếc mâm tròn. Những món ăn truyền thống thường thấy trong mâm cỗ Tết miền Trung bao gồm:
- Gà luộc;
- Bánh tét;
- Thịt heo kho;
- Nem chua;
- Dưa hành;
- Ram cuốn,...
Ngoài những món ăn chính này, nhiều gia đình còn làm thêm các món mặn khác để làm đa dạng mâm cỗ như: tôm rim, gà rán, thịt ngâm nước mắm, thịt luộc, cá hấp, nem lụi,...
NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT MIỀN TRUNG
Đi chùa cầu bình an cũng là một hoạt ý nghĩa trong phong tục đón Tết ở miền Trung
Không khí Tết ở miền Trung khá ấm áp và dễ chịu, vì thế mà từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch người đan đã bắt đầu du xuân, vui chơi và sửa soạn đón giao thừa. Vào những ngày này, những con đường sẽ ngập tràn sắc hoa rạng rỡ.
Tiếp đến mọi người sẽ chuẩn bị lau dọn, trang hoàng nhà cửa và trang trí để đón Tết. Vào ngày tất niên, các thành viên trong gia đình sẽ cùng sum họp, quây quần bên nhau trò chuyện, tâm sự.
Ngày đầu năm mới, mọi người sẽ cùng đi lễ chùa, cầu bình an và chúc Tết người thân, bạn bè. Sau đó sẽ là các hoạt động văn nghệ, giải trí dân gian mang nét đặc trưng của mỗi vùng quê.
ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG NGÀY TẾT MIỀN TRUNG
Ăn tôm trong ngày tết có thể khiến năm mới công việc và cuộc sống không thuận lợi
Phong tục Tết ở miền Trung khá thoải mái, tuy nhiên vẫn có những điều kiêng kỵ nhất định cần phải biết trong dịp lễ này như sau:
- Kiêng các món ăn từ tôm: Ở một số địa phương miền Trung quan niệm rằng ăn tôm sẽ bị đi giật lùi như tôm. Vì thế chuyện làm ăn trong năm mới sẽ không thể phát triển tốt.
- Kiêng trứng vịt lộn, thịt vịt: Dân gian cho rằng thịt vịt sẽ gặp xui xẻo trong năm mới.
- Kiêng mặc đồ màu trắng: Phong tục này không phổ biến nhưng vẫn có ở một số địa phương miền Trung.
Phong tục đón Tết ở miền Nam
Với người miền Nam, Tết là cơ hội để vui chơi, gặp gỡ và quầy quần bên nhau. Do đó, phong tục đón Tết ở miền Nam thường không nặng nề về mặt hình thức. Chủ yếu là hướng đến không khí rộn ràng, vui tươi cho năm mới nhiều tài lộc, may mắn, thuận hòa và mọi sự đều hanh thông.
MÂM CỖ NGÀY TẾT MIỀN NAM
Mâm cỗ ngày Tết miền Nam có sự đa dạng và ít câu nệ hình thức
Miền Nam được xem là vùng đất được mẹ thiên nhiên ban tặng cho nhiều đặc sản và có đa dạng các loại trái cây. Cũng chính vì thế mà mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Nam cũng đa dạng và ít câu nệ hình thức. Dù vậy, trong mâm cỗ vẫn phải có một số món ăn truyền thống như:
- Thịt kho trứng;
- Canh khổ qua nhồi thịt: Với quan niệm mọi sự khổ ải đều sẽ qua đi để đón chào năm mới bình an;
- Gà luộc;
- Chả giò;
- Gỏi ngó sen;
- Tôm khô, củ kiệu;
- Bánh tét, bánh chưng.
Một số gia đình còn chuẩn bị thêm: chả lụa, lạp xưởng, giò thủ,... tùy theo sở thích và điều kiện gia đình.
NGHI LỄ TRUYỀN THỐNG NGÀY TẾT MIỀN NAM
Phong tục lì xì năm mới với ý nghĩa cầu chúc may mắn và bình ăn trong năm tới
Phong tục đón Tết tại miền Nam với các nghi lễ truyền thống như:
- 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời;
- 30 tháng Chạp làm mâm cơm cúng tổ tiên, cũng là dịp để con cháu hội tụ về nhà trong ngày cuối cùng của năm cũ;
- Trong những ngày Tết, bàn thờ gia tiên luôn nghi ngút khói hương với quan niệm cho ông bà tổ tiên một cái Tết ấm cúng.
Một tập quán phổ biến nhất của người miền Nam là vào năm mới mọi người luôn dành cho nhau những lời hay ý đẹp, vui vẻ và bỏ qua những chuyện không vui của năm cũ.
Miền Nam cũng là vùng đất phát triển phong tục lì xì đầu năm cho trẻ nhỏ. Với ý nghĩa chúc may mắn, trẻ mau ăn chóng lớn, mọi sự được như ý. Phong bao lì xì đỏ cũng là nét văn hóa của người miền Nam, không câu nệ giá trị mà chủ yếu đem lại niềm vui,tốt lành và may mắn.
ĐIỀU KIÊNG KỴ TRONG NGÀY TẾT MIỀN NAM
Những điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết ở miền Nam đều có ý nghĩa riêng
Mỗi điều kiêng kỵ trong phong tục đón tết ở miền Nam sẽ có một ý nghĩa riêng, Việc tránh thực hiện những điều đó sẽ giúp bạn có một năm mới bình ăn và suôn sẻ. Cụ thể các điều kiêng kỵ trong phong tục đón Tết tại miền Nam như sau:
- Về nhà trước Giao thừa: Dù đi làm xa thì cũng phải về quê trước giao thừa, bởi quan niệm người miền Nam cho rằng nếu không về kịp sẽ làm cho cả năm mới sẽ bôn ba, làm ăn vất vả.
- Cất chổi sau khi quét dọn: Trong ngày tết mà mất chổi sẽ khiến cho cả năm gia đình gặp trộm cắp, mất của cải.
- Kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm: Điều này tượng trưng cho sự thất bát, mùa màng thất thu trong năm tới. Chính vì thế, người ta thường đổ một ít lúa vào cối xay, ngụ ý cầu mong cho năm tới được lúa gạo tràn đầy.
- Dọn cỗ ngày Tết: Tại Nam Bộ, vào những ngày tết nếu có khách đến chơi nhà, dù bất kỳ giờ giấc nào, thì gia chủ cũng phải dọn cỗ mời ăn, khách cùng không được từ chối, kể cả đang no cũng phải nhâm nhi một chút. Thói quen hiếu khách của người miền Nam cũng từ đây mà có.
Mặc dù có sự khác biệt giữa phong tục đón Tết ở mỗi miền Tổ quốc. Thế nhưng ý nghĩa đằng sau đó vẫn đều thể hiện giá trị thiêng liêng, sâu sắc của nền văn hóa và tín ngưỡng của con người Việt Nam. Bên cạnh đó, sự khác biệt này đã tạo thành một điểm nhấn không thể quên dành cho mỗi du khách nước ngoài khi có dịp ghé thăm Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm.